Dark – Một phim truyền hình của Đức ly kỳ, hấp dẫn với vô số những điều bí ẩn với những mối quan hệ phức tạp liên kết quá khứ – hiện tại – tương lai.
Bộ phim lôi cuốn khán giả vào một mê cung đầy tăm tối với vô số câu hỏi thắc mắc về sự tồn tại của con người, thời gian, cuộc sống. Nhưng thực chất Dark chẳng che giấu bí ẩn nào cả, sự thật mà nó phơi bầy trên màn ảnh đó là sự giả dối, đầy rẫy sự giả dối. Dark cũng chẳng có con quái vật kỳ bí nào cả, nó chỉ ra cho người xem thấy con quái vật nguy hiểm nhất ấy chính là con người. Mọi hạnh phúc khổ đau, mọi sự huỷ diệt trên trái đất này cũng đều do sai lầm và tội lỗi mà con người gây ra. Và cuộc sống được vận hành bởi những âm mưu đen tối để che giấu sự thật cũng như sự mù quáng của con người.
Câu chuyện của Dark chỉ xảy ra trong một ngôi làng hẻo lánh của nước Đức, nhưng nó là câu chuyện của toàn nhân loại. Kết nối sự kiện Chernobyl và lò hạt nhân bộ phim phần nào nhắc nhở khán giả đừng quên ngày tận thế đã và vẫn sẽ đến một khi sự thật vẫn bị che giấu và con người ta vẫn sử dụng hạn nhân vì những mục đích duy trì sự sống.
Dark đã ra 2 phần. Phần 3 hứa hẹn sẽ phức tạp không kém. Kịch bản cực kỳ chặt chẽ, hình ảnh âm thanh cực kỳ lôi cuốn được trau chuốt cực kỳ kỹ lưỡng và vô cùng tinh tế. Dàn diễn viên xuất sắc. Đặc biệt là phần âm nhạc, tôi cực thích cách họ sử dụng những giai điệu đầy ma quái thường dùng cho mấy phim kinh dị, để minh hoạ cho những nhân vật rất con người. Đó như sự thể hiện cho những con quỷ đội lốt người. Phim cực kỳ lãng mạn, chân thực, chẳng có gì gọi là kinh dị nhưng cực kỳ kinh dị. Tôi luôn thích những bộ phim như thế.
Xem Dark và Chernobyl (2019) liền nhau thì tôi có một câu hỏi rằng: Nhà làm phim – anh có quyền gì mà phán xét lịch sử?
Tôi vẫn thích cách người Âu nói chuyện lịch sử. Họ không nặng về phán xét, họ chỉ phản ánh lịch sử ở những góc nhìn khác nhau, hoặc mượn lịch sử để làm nền cho những câu chuyện mang tính cá nhân, đơn lẻ, qua đó phản chiếu xã hội lịch sử và để khán giả tự cảm nhận và đánh giá.
Dark có vẻ như là một phim viễn tưởng nhưng rất hiện thực. Những sự kiện lịch sử, những vấn đề xã hội, con người, khoa học, tôn giáo… đều được phim cài cắm khéo léo và vô cùng tinh tế. Tôi không đủ hiểu biết để hiểu cũng như lý giải toàn bộ nội dung ý nghĩa của phim, nhưng chỉ ví dụ như việc Dark đề cập tới Chernobyl tưởng là rất thoáng qua nhưng thực chất lại rất sâu sắc. Tôi thích cách tiếp cận lịch sử như Dark hơn là Chernobyl (2019). Không đề cập lộ liễu vấn đề hạt nhân hay thảm hoạ năm 1986, Dark mượn những dốc mốc lịch sử để phơi bầy cho khán giả hiện thực đời sống tưởng như đầy bí ẩn nhưng thực chất có khi chẳng có bí mật nào cần nhìn thấy hơn là hiểu bản chất con người.

Xem S2 – E7 khi Hannah đến gặp Ulrich thật sự cảm xúc của tôi lúc đó là thấy ghét biên kịch của phim khủng khiếp.
Và muốn chửi anh ta rằng:
Này biên kịch, anh thật là tàn nhẫn khi cứ phải bắt khán giả chúng tôi phải suy tư về những điều anh reo giắc sự hoài nghi vào trong tâm hồn chúng tôi.
Anh thấy đó là niềm vui ư?
Anh đẩy nhân vật vào bước đường cùng không lối thoát chỉ để anh có thể đẻ thêm những phần tiếp theo mà thôi. Tất cả chẳng để làm gì cả. Câu trả lời đã sáng tỏ rồi, đừng bắt chúng tôi phải hoài nghi nữa.
Trong phim tôi thích nhất Ulrich và ghét nhất Hannah. Đàn bà thực ra nham hiểm hơn đàn ông. Còn đàn ông suy cho cùng rất bồng bột và yếu đuối hơn đàn bà. Bạn có thấy thế không?
- Hanhfm
Comments
comments